Toàn huyện hiện có 11 HTX đang hoạt động, trong đó: 7 HTX dịch vụ nông nghiệp, thuỷ lợi, thuỷ sản, lâm nghiệp; 1 HTX Vệ sinh môi trường; 4 Quỹ tín dụng nhân dân. Tổng giá trị tài sản các HTX là 4 tỷ 265 triệu đồng, nguồn vốn các HTX khoảng 245 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2016 doanh thu các HTX đạt trên 13 tỷ đồng, nộp thuế 328 triệu đồng. Lương bình quân của thành viên khoảng 6 - 7 triệu đồng/tháng. Trong 11 HTX đang hoạt động và có hiệu quả, nhất là HTX Nông nghiệp Bằng Luân, HTX chè Minh Tiến, HTX dịch vụ môi trường Chí Đám, Quỹ tín dụng nhân dân Vân Du và thị trấn Đoan Hùng.
Được biết đến là một đơn vị thành lập sớm trên địa bàn huyện Đoan Hùng, HTX Nông nghiệp Bằng Luân với mục tiêu chính là chú trọng phát triển cây Bưởi đặc sản, nhận thấy hiệu quả từ mô hình này nên ngay từ khi mới ra đời (năm 2013), đã có 28 thành viên tham gia. Từ khi thành lập đến nay, HTX đã là cầu nối các thành viên với những tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất trong việc trồng và chăm sóc cây bưởi đặc sản, với nhà tiêu thụ sản phẩm và đặc biệt là HTX đã bảo vệ, xây dựng và phát triển thương hiệu Bưởi Đoan Hùng ngày càng bền vững. Ông Bùi Khắc Nga – Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Bằng Luân cho biết: “Từ khi thành lập đến nay được sự giúp đỡ của Tỉnh, Huyện và Liên minh HTX Phú Thọ đã mở 10 lớp tập huấn, hội thảo trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng chăm sóc cây bưởi đặc sản cho hàng trăm thành viên trong HTX và nông dân trồng bưởi, đã giúp cho cây bưởi có hiệu quả kinh tế cao hơn, chất lượng, mẫu mã đẹp hơn“.
Cũng từ những HTX này mà giá trị của cây bưởi mang lại cho người dân Đoan Hùng đã ngày càng gia tăng. Theo thống kê trên địa bàn Đoan Hùng hiện nay có gần 1.700 ha bưởi, diện tích đã cho thu hoạch đạt gần 1.000ha. Năm 2015 (tính riêng đối với giống bưởi đặc sản); giá trị sản phẩm ước đạt trên 200 tỷ đồng; bình quân thu nhập đạt khoảng trên 600 triệu đồng/ha đối với bưởi Chí Đám, 500 triệu đồng/ha đối với bưởi Bằng Luân. Nhiều hộ trồng bưởi ở các xã Chí Đám, Bằng Luân, Quế Lâm đã có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm..
Nhận thấy thế mạnh của quê hương Minh Tiến là sản xuất chè nhưng đầu ra cho sản phẩm bấp bênh, ông Nguyễn Trung Thành cùng với nhiều nông dân trong xã đã thành lập HTX trồng chè Minh Tiến vào năm 2012. Tham gia mô hình HTX đã giúp cho bà con trồng chè được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, cung cấp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, bao tiêu đầu ra cho sản phẩm, giúp nông dân yên tâm sản xuất và gắn bó hơn với cây chè. Đến nay, HTX đã tạo công ăn việc làm cho 85 lao động với thu nhập từ 5- 6 triệu đồng/ người/ tháng.
Ông Nguyễn Văn Vinh – Thôn 2 xã Minh Tiến bộc bạch: Trước kia chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm chè. Có năm thời điểm được mùa thì mất giá, được giá lại mất mùa nhưng từ khi có HTX đã giúp chúng tôi có kiến thức kỹ thuật trong chăm sóc, HTX kết nối với các cơ sở thu mua chè ổn định nên chúng tôi thấy yên tâm gắn bó với cây chè.
Thời gian tới UBND huyện Đoan Hùng tiếp tục chỉ đạo các phòng chuyên môn triển khai, hướng dẫn các HTX trên địa bàn huyện hoạt động theo hình thức kiểu mới nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động các Hợp tác xã. Đẩy mạnh hơn nữa chính sách hỗ trợ tiếp thị và mở rộng thị trường. Có chính sách hỗ trợ các HTX về xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin, tìm kiếm thị trường, tổ chức giới thiệu và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho các HTX đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, tạo điều kiện cho kinh tế tập thể trên địa bàn phát triển đúng hướng và bền vững.
Kinh tế tập thể ngày càng khẳng định được vị thế, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của các địa phương. Tin tưởng rằng thời gian tới Kinh tế HTX trên địa bàn Đoan Hùng tiếp tục hoạt động hiệu quả hơn nữa, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Kim Chi