I. CHIẾN THẮNG SÔNG LÔ LỊCH SỬ
1. Bối cảnh lịch sử
Cuối năm 1946, thực dân Pháp bội ước trở lại xâm lược nước ta lần thứ 2. Hồ Chủ tịch và Trung ương Đảng đã quyết định xây dựng căn cứ địa cách mạng tại Việt Bắc để lãnh đạo toàn dân “Trường kỳ kháng chiến”. Ngày 19/12/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Từ đó, cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp của quân và dân ta đã trở thành cuộc chiến tranh nhân dân trên phạm vi toàn quốc.
Sau khi bình định được một số vùng ở đồng bằng và trung du, Thu Đông năm 1947 thực dân Pháp mở cuộc tấn công quy mô lớn lên Việt Bắc, nhằm tiêu diệt quân chủ lực và cơ quan đầu não kháng chiến của ta, sau đó sẽ kết thúc chiến tranh xâm lược Việt Nam một cách nhanh chóng. Đánh lên Việt Bắc, địch còn nhằm khóa chặt biên giới Việt - Trung, ngăn chặn sự liên lạc giữa ta với quốc tế. Trước tình hình đó, ngày 15-9-1947, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị "Sửa soạn phá những cuộc tấn công lớn của địch".
Dự đoán được âm mưu của địch sẽ tấn công Việt Bắc, Liên khu uỷ X đã họp bàn phương hướng chỉ đạo quân và dân trong toàn Liên khu chuẩn bị đối phó. Thi hành Chỉ thị của Trung ương và Khu X, ngoài việc đưa người già và trẻ em sơ tán vào trong rừng sâu, dân quân du kích Phú Thọ đã lập làng kháng chiến, cùng bộ đội di chuyển kho tàng, công xưởng vào nơi an toàn. Đồng thời, củng cố lại tổ chức, trang bị thêm vũ khí, làm nhiệm vụ tuần tra, canh gác, trinh sát, cùng bộ đội xây dựng trận địa, làm công tác nghi binh và sẵn sàng phối hợp chiến đấu (như trận địa giả, thủy lôi giả). Đặc biệt, quân dân địa phương còn làm hai kè trên sông Lô ở Sóc Đăng (Đoan Hùng) và Bến Cóc (Trị Quận - Phù Ninh) để cản tàu chiến địch.
2. Diễn biến trận đánh
Ngày 7/10/1947, thực dân Pháp mở chiến dịch mang tên Lê- A(Opération- Lea) tấn công căn cứ địa Việt Bắc. Chúng huy động lực lượng lớn với khoảng 12.000 tên gồm trung đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn dù, 2 tiểu đoàn pháo binh, 2 tiểu đoàn công binh, 3 đại đội cơ giới, 2 phi đội (40 máy bay ném bom, trinh sát, vận tải), 1 thủy đội (40 tàu, ca nô, tàu đổ bộ các loại) và một số đơn vị lính thủy đánh bộ, tấn công theo 2 hướng: một cánh quân gồm 1 binh đoàn có máy bay yểm trợ do đại tá Bô-phrê chỉ huy, theo hướng Đông từ Lạng Sơn lên Cao Bằng; một cánh quân gồm 1 binh đoàn thuỷ do đại tá Com-muy-nan chỉ huy, theo hướng Tây dọc sông Lô lên Tuyên Quang. Cả hai cánh quân hình thành thế gọng kìm bao vây căn cứ địa cách mạng Việt Bắc.
Ngày 10/10/1947, một đoàn tàu và ca nô của địch có máy bay yểm trợ từ Sơn Tây đánh chiếm trị trấn Việt Trì và sau đó theo đường sông Lô tiến lên Tuyên Quang. Trên đường hành quân, chúng điên cuồng bắn phá nhiều làng mạc dọc hai bờ sông, gây thiệt hại lớn về người và tài sản của nhân dân. Do có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt nên ngay trong ngày đầu, khi địch thăm dò lên đến bến Then (An Đạo - Phù Ninh) lực lượng Vệ quốc đoàn và dân quân du kích của ta dùng súng trường và trung liên chặn đánh làm bị thương một số tên, buộc chúng phải rút lui về Việt Trì.
Ngày 11/10/1947, thực dân Pháp tổ chức một lực lượng thủy binh có máy bay yểm trợ tiến dọc sông Lô lên Đoan Hùng, song gặp phải chướng ngại vật do ta làm kè ở địa phận xã Tiên Du (huyện Phù Ninh), xã Sóc Đăng (huyện Đoan Hùng) và Đồn Hang (thuộc địa phận Tuyên Quang) nên chúng phải dừng lại để phá kè.
Ngày 23/10/1947, thực dân Pháp đã phải dùng tàu vận tải chở quân tiếp viện theo sông Lô lên Tuyên Quang. Đến bến Khoan Bộ (huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc), chúng bị bộ đội cùng du kích Tràng São (Huyện Phù Ninh) chặn đánh quyết liệt, bắn cháy 1 ca nô, 1 tàu chiến và tiêu diệt nhiều tên...
Bị thất bại nặng nề trên các hướng tiến công, thực dân Pháp buộc phải rút lui khỏi Việt Bắc. Dự báo địch sẽ rút lui theo hướng sông Lô, Bộ Tư lệnh Liên khu X tổ chức lực lượng đón đánh. Đại đội pháo “voi gầm” bố trí trận địa ở bờ hữu ngạn sông Lô từ Phù Ninh đến Đoan Hùng. Tiểu đoàn bộ binh thuộc Trung đoàn Sông Lô bố trí lực lượng ở tả ngạn sông Lô từ Hạc Trì (nay là thành phố Việt Trì) đến Phù Ninh, Đoan Hùng, có sự hỗ trợ của lực lượng du kích các xã ven sông được trang bị vũ khí.
Bộ đội địa phương và dân quân du kích Đoan Hùng ngày đêm có mặt trên trận địa, một mặt cùng với chính quyền huyện huy động nhân dân địa phương tích cực đóng góp lương thực, thực phẩm và các phương tiện khác tiếp tế cho bộ đội. Mặt khác, đã chủ động bố trí trận địa giả ở xã Hữu Đô, Đại Nghĩa. Để trận địa hoàn thành có hiệu quả, các đồng chí trong Ban chỉ huy bộ đội địa phương và dân quân du kích Đoan Hùng đã huy động nhân dân các xã Hữu Đô, Đại Nghĩa, Phú Thứ, Vân Cương… thu gom củi, rác, rơm, rạ chất lên thành 23 đống lớn (mỗi đống từ 8m3 đến 10 m3, đống nọ cách đống kia 23 m) và lấy nhựa trám làm chất bén cháy. Hai đồng chí tự vệ luôn luôn thường trực bên những đống củi, chờ khi có hiệu lệnh sẽ phát hoả. Hàng chục chiếc thùng sắt lớn, bên trong chứa sẵn thuốc pháo cũng được bố trí đưa ra trận địa. Ngoài ra, nhân dân địa phương còn chuẩn bị trống, mõ, kẻng, chuông nhà thờ….sẵn sàng khua vang khi có hiệu lệnh phát ra. Nhân dân các xã Chí Đám, Hữu Đô đã đã vô cùng sáng tạo hái hàng trăm quả bưởi từ vườn nhà, dùng nhọ nồi trộn dầu bôi đen lên bưởi rồi đem xâu thành từng chuỗi, giả làm thuỷ lôi lừa địch.
Khoảng 12 giờ ngày 24-10-1947, đoàn tàu chiến của địch từ Tuyên Quang xuôi sông Lô lọt vào trận địa phục kích của ta ở Đoan Hùng, lập tức hiệu lệnh chiến đấu phát ra, tiếng trống, tiếng kẻng, tiếng chuông nhà thờ rung lên liên hồi giục giã xen lẫn tiếng nổ vang trời của các loại súng đạn. Cùng lúc đó, lửa khói ở trận địa giả bốc lên nghi ngút. Ngay những loạt đạn đầu, pháo binh ta đã bắn chìm một chiếc tàu địch. Đoàn tàu địch hốt hoảng chạy tản ra hai bên dòng sông vào đúng tầm bắn của ta. Khẩu đội pháo bắn liền ba phát đều trúng tàu địch làm đạn dự trữ trên tàu nổ tung tóe, nhiều tên địch hoảng hốt nhảy ào xuống sông. Cả một khúc sông mịt mù khói lửa. Dưới làn bom đạn của máy bay và tàu chiến địch, bộ đội và du kích vẫn giữ vững trận địa, anh dũng chiến đấu. Kết quả ta đã tiêu diệt hơn 300 tên giặc, bắn chìm 2 tàu chiến, bắn bị thương 2 chiếc khác, bắn rơi 1 thủy phi cơ, thu 1 khẩu pháo 105 ly, 10 súng cối, hàng trăm súng các loại và hàng nghìn tấn đạn dược.
3. Ý nghĩa của chiến thắng sông Lô
Chiến thắng sông Lô - Đoan Hùng là một trong những chiến thắng lớn của quân và dân Việt Bắc, trong đó có đóng góp tích cực của quân và dân Phú Thọ, bước đầu làm phá sản âm mưu của địch trong chiến dịch Thu - Đông năm 1947. Thắng lợi này không chỉ bẻ gãy gọng kìm bao vây phía Tây căn cứ địa Việt Bắc mà còn tác động mạnh vào việc phá tan kế hoạch tấn công mùa Đông của Pháp. Âm mưu thâm độc của kẻ thù nhằm tiêu diệt quân chủ lực của ta, phá vỡ căn cứ địa cách mạng Việt Bắc và tiêu diệt cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến đã hoàn toàn bị sụp đổ. Sau Chiến thắng sông Lô, hàng loạt chiến thắng khác của quân và dân Việt Bắc nối tiếp nhau đã giáng cho kẻ thù những đòn chí tử. Cục diện chiến trường chuyển sang giai đoạn mới: Ta từ phòng ngự chuyển dần sang cầm cự và tổng phản công; địch ngày càng lâm vào lúng túng, bị động và thất bại. Chiến thắng sông Lô đã trở thành mốc son chói lọi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta và mãi mãi là niềm tự hào, là nguồn động viên tinh thần vô cùng to lớn cho quân và dân Phú Thọ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đánh giá về ý nghĩa chiến thắng sông Lô, đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh đã viết: "Những trận đánh vô cùng anh dũng của quân ta trên Sông Lô và trên con đường Tuyên - Hà, tuy chỉ tiêu diệt trên 1.000 quân tinh nhuệ của địch nhưng đã khiến cho binh lính địch hoảng sợ, mất tinh thần. Chẳng những nó làm sai kế hoạch của địch mà còn phá một phần kế hoạch tiến công Việt Bắc. Giá trị của những trận sông Lô chính ở đó...". Nói về chiến thắng sông Lô, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận định: "Chiến thắng Đoan Hùng như một luồng gió mát thổi lan khắp Việt Bắc trong những ngày nóng bỏng nhất của cuộc chiến tranh. Chiến thắng Đoan Hùng mở đầu cho những chiến thắng oanh liệt của bộ đội chủ lực ta trong chiến dịch Việt Bắc".
Chiến thắng Sông Lô khẳng định đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh do Đảng ta chủ trương và lãnh đạo là hoàn toàn đúng đắn. Lần đầu tiên ta tổ chức thắng lợi cuộc phản công một chiến dịch tiến công quy mô lớn của thực dân Pháp, có quân đội nhà nghề với trang bị hiện đại, trong khi ta còn nghèo nàn lạc hậu, trang bị thô sơ, thiếu thốn; kinh nghiệm chiến đấu còn ít. Có được thắng lợi vẻ vang này là do Đảng ta đã lãnh đạo xây dựng được khối đoàn kết, tập hợp được sự tham gia đóng góp của mọi tầng lớp nhân dân vào cuộc chiến đấu, phát huy được truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần quyết chiến, quyết thắng, vượt qua mọi hi sinh, gian khổ.
Chiến thắng Sông Lô còn thể hiện nghệ thuật chiến tranh nhân dân của Đảng, biết kế thừa và phát huy truyền thống đánh giặc ngoại xâm từ hàng ngàn năm của dân tộc. Để đối chọi với một kẻ thù mạnh hơn mình và âm mưu “Đánh nhanh, thắng nhanh” của địch, ta đã thực hiện phương châm "lấy yếu đánh mạnh", đánh lâu dài với các chiến thuật đánh phục kích, đánh nhỏ lẻ bằng hai hình thức tác chiến chủ yếu là “du kích chiến” và sau là “vận động chiến”; đồng thời biết dựa vào địa hình để phát huy cao độ khả năng tác chiến của chiến tranh nhân dân, từ đánh nhỏ, bao vây, chia cắt đội hình địch đến những trận đánh lớn có tính chất quyết định để tiêu diệt kẻ thù.
II. PHÁT HUY TINH THẦN CHIẾN THẮNG SÔNG LÔ, ĐẢNG BỘ HUYỆN ĐOAN HÙNG QUYẾT TÂM XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG NGÀY CÀNG GIÀU ĐẸP VĂN MINH
Phát huy tinh thần Chiến tháng Sông Lô, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, từ một huyện nghèo, kinh tế chậm phát triển, đến nay kinh tế - xã hội của huyện có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Đoan Hùng là huyện đi đầu của tỉnh Phú Thọ về phát triển kinh tế đồi rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, với tỷ lệ độ che phủ rừng đạt gần 100% đất lâm nghiệp.
Trong phát triển kinh tế, Đoan Hùng tích cực thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển CN - TTCN và dịch vụ. Kinh tế của huyện có bước phát triển khá, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 6,98%/năm. Thu nhập bình quân đầu người trên 30 triệu đồng/năm. Tích cực triển khai thực hiện các chương trình sản xuất nông nghiệp trọng điểm như: Chương trình phát triển cây bưởi đặc sản; chương trình phát triển cây chè; trồng rừng sản xuất, mô hình nuôi cá lồng trên sông Lô… các chương trình này đã thực sự mang lại hiệu quả kinh tế, tạo cơ hội để người dân làm giàu chính đáng. Cây bưởi tiếp tục phát huy vai trò là cây thế mạnh, cây làm giàu, mang lại thu nhập cao cho người dân. Tổng diện tích bưởi trên địa bàn huyện năm 2016 là 1.820,9 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch 1.100 ha. Sản lượng bưởi quả đạt 10.500 tấn, giá trị sản phẩm theo giá hiện hành đạt trên 200 tỷ đồng. Chương trình xây dựng nông thôn mới được chỉ đạo quyết liệt, đến nay đã có 02 xã Chí Đám và Minh Tiến đạt chuẩn nông thôn mới; các xã còn lại đạt từ 9 đến 15 tiêu chí, bình quân đạt 11,9 tiêu chí/xã.
Kết cấu hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư, hệ thống điện lưới phục vụ sản xuất và sinh hoạt được nâng cấp, các tuyến đường liên huyện, liên xã, liên thôn cơ bản được bê tông hóa, hệ thống đê điều, thủy lợi được tu bổ, nâng cấp, trụ sở làm việc xã, thị trấn được đầu tư xây dựng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 1.300 tỷ đồng/năm.
Các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ được quan tâm phát triển. Đến nay Đoan Hùng đã có gần 200 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả; hình thành 2 Cụm công nghiệp và các làng nghề tiểu thủ công nghiệp có các sản phẩm uy tín. Giá trị tăng thêm công nghiệp - xây dựng đạt trên 532 tỷ đồng (năm 2016), tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 1.411 tỷ đồng (năm 2016). Từ một trong những huyện nghèo, đến nay huyện Đoan Hùng đã vươn lên là một huyện phát triển khá của tỉnh, tổng thu ngân sách trên địa bàn do huyện quản lý năm 2016 đạt 140 tỷ đồng, là huyện đứng thứ 2 trong tỉnh về thu ngân sách, chỉ sau thành phố Việt Trì.
Đi đôi với phát triển kinh tế, phát triển văn hóa xã hội có những bước tiến vững chắc. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo tiếp tục được củng cố. Chất lượng dạy và học được giữ vững, các phong trào thi đua, các cuộc vận động được thực hiện có hiệu quả. Quy mô trường, lớp ổn định và phát triển; cơ sở vật chất trường, lớp học được tăng cường, đến nay có 55/88 trường học đạt chuẩn quốc gia. Các cơ sở y tế tiếp tục được đầu tư mở rộng; cơ sở, trang thiết bị y tế từng bước được trang bị hiện đại. Chất lượng khám chữa bệnh, thái độ phục vụ người bệnh được nâng cao. Công tác y tế dự phòng tiếp tục được tổ chức thực hiện có hiệu quả và vượt kế hoạch. Chất lượng khám chữa bệnh và công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được nâng cao. Huyện Đoan Hùng có Bệnh viện Đa khoa tư nhân Hùng Vương hoạt động có hiệu quả, là mô hình bệnh viện tư nhân đầu tiên của các tỉnh phía Bắc.
Phát huy đạo lí truyền thống uống nước nhớ nguồn, thương người như thể thương thân, hàng năm công tác xã hội nhân đạo từ thiện, xóa đói giảm nghèo được cấp ủy, chính quyền và toàn dân quan tâm. Chương trình xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho người lao động đạt kết quả khá, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn gần 7%; hàng trăm nhà dột nát, nhà tạm đã được xóa, thay vào đó là nhà đoàn kết, nhà tình nghĩa bền chắc, khang trang hơn. Số hộ gia đình văn hóa đạt trên 85%, khu dân cư văn hóa, cơ quan văn hóa đều đạt trên 90%. Các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở được tăng cường. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được củng cố vững chắc, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện. Bộ mặt nông thôn Đoan Hùng khởi sắc, khối đoàn kết trong nhân dân, sự đồng thuận trong xã hội ngày càng được tăng cường.
Có được những kết quả trên là nhờ vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng thường xuyên đổi mới nâng cao chất lượng. Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh là mục tiêu, nhiệm vụ xuyên suốt của Đảng bộ huyện. Cấp ủy huyện trực tiếp ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo hoặc cho ý kiến chỉ đạo đối với các cơ quan hệ thống chính trị. Đảm bảo các mục tiêu, chỉ tiêu được xây dựng ở mức khá cao, hệ thống nhiệm vụ giải pháp mang tính tích cực, sát với thực tế của huyện, có tính khả thi. Công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết được chú trọng. Qua đó kịp thời phát huy nâng cao hơn các kết quả, thành công đồng thời phát hiện những thiếu sót, khuyết điểm để khắc phục và xử lý các vi phạm. Cấp ủy đã xác định rõ vị trí có ý nghĩa quyết định cua đội ngũ cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Từ đó đã tăng cường các biện pháp quản lý cán bộ, đảng viên trong sinh hoạt, công tác và các quan hệ xã hội. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ, tập trung về việc bảo đảm cho cán bộ đạt trình độ theo chuẩn quy định gắn với nâng cao năng lực thực tế, khắc phục sự thiếu đồng bộ về cơ cấu cán bộ, nhất là đối với cơ sở. Hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn; điều hành của chính quyền đảm bảo hiệu lực, hiệu quả; hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội có nhiều đổi mới. Năm 2016, có 90,1% chi, đảng bộ cơ sở xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ (trong đó 34,5% xếp loại TSVM), 89,2% chính quyền cơ sở xếp loại TSVM, 80% tổ chức MTTQ và các đoàn thể cơ sở xếp loại vững mạnh, xuất sắc, 88,1% đảng viên xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Các đợt sinh hoạt chính trị, đặc biệt là thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Nghị quyết TW4 khóa XII về xây dựng và chỉnh đốn Đảng được triển khai đồng bộ, bước đầu đã đạt được kết quả quan trọng, góp phần củng cố và nâng cao phẩm chất chính trị và phẩm chất đạo đức đội ngũ cán bộ, đảng viên. Kịp thời phát hiện, đấu tranh, xử lý với các sai phạm của cán bộ. Vị trí, vai trò và trách nhiệm của các tổ chức cơ sở Đảng, nhất là các xã, thị trấn được đề cao.
Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Sông Lô (24/10/1947- 24/10/2017) là dịp chúng ta ôn lại truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang, tinh thần dũng cảm, mưu trí, sáng tạo của các thế hệ đi trước vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Phát huy tinh thần Chiến thắng Sông Lô, cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc huyện Đoan Hùng ra sức thi đua thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XVIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII phấn đấu lập nên những thành tích mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quyết tâm xây dựng huyện Đoan Hùng ngày càng giàu đẹp, văn minh./.
BAN TUYÊN GIÁO HUYỆN ỦY