Chiều ngày 23/02, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Thọ phối hợp với UBND huyện Đoan Hùng tổ chức Hội nghị công bố và trao văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Mộc Vân Du” cho sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ của làng mộc xã Vân Du, huyện Đoan Hùng. Tham dự hội nghị, có đồng chí Chu Thị Bích Thủy - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ; đồng chí Nguyễn Đức Lương - Ủy viên BTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện; Lãnh đạo một số phòng, đơn vị chuyên môn của huyện; Lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã; Chủ tịch Hội đồng quản trị; Giám đốc cùng 15 thành viên HTX tiêu biểu trên địa bàn huyện.
 |
Đại biểu tham dự hội nghị công bố và trao văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Mộc Vân Du” |
Làng nghề mộc xã Vân Du, huyện Đoan Hùng được UBND tỉnh công nhận từ năm 2011 với sản phẩm chính là các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ, đồ gia dụng bằng gỗ. “Làng mộc Vân Du” gồm các khu Liên Phú, Tân Minh, Nam Đẩu của xã Vân Du với 130 hộ tham gia hoạt động, trong đó 70 hộ là thành viên của làng nghề. Trong những năm qua, mẫu mã sản phẩm của làng nghề ngày một đa dạng, phong phú với các chất liệu gỗ như: Mít, keo, lim, hương, gụ..., được người tiêu dùng đánh giá cao cả về chất lượng gỗ cũng như độ tinh xảo và tính thẩm mỹ cao.
Sau 24 tháng thực hiện, dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Mộc Vân Du” cho sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ của làng mộc xã Vân Du, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ đã đạt được mục đích, yêu cầu đề ra.Tại hội nghị, lãnh đạo Sở Khoa học &Công nghệ tỉnh Phú Thọ đã trao Giấy chứng nhận của Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ về nhãn hiệu tập thể “Mộc Vân Du” cho đại diện chính quyền địa phương và HTX sản xuất và kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ Vân Du huyện Đoan Hùng.
 |
Đồng chí Phó Giám đốc Sở Khoa học&CN tỉnh trao Giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể "Mộc Vân Du" cho làng nghề Mộc xã Vân Du huyện Đoan Hùng |
Việc tạo lập nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm mộc Vân Du, xã Vân Du, huyện Đoan Hùng nhằm tạo cho sản phẩm mộc Vân Du có thương hiệu, chỗ đứng trên thị trường, tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm, thúc đẩy sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống cho người sản xuất sản phẩm mộc. Dự án cũng là cơ sở, kinh nghiệm để nhân rộng hoạt động tạo lập và quản lý nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm làng nghề truyền thống trong thời gian tới; đặc biệt là định hướng mỗi xã, mỗi địa phương một sản phẩm, một thương hiệu; đồng thời kiểm soát chất lượng nguồn gốc xuất xứ và xây dựng uy tín thương hiệu trên thị trường.
Tin, ảnh: Hà Linh - Đỗ Sơn