Chiến thắng Chân Mộng – Trạm Thản ngày 17/11/1952 đã đi vào lịch sử của dân tộc, góp phần quan trọng vào thắng lợi trong chiến dịch Tây Bắc. Hướng tới kỷ niệm 65 chiến thắng Chân Mộng – Trạm Thản, xã Chân Mộng đã có nhiều hoạt động nhằm bảo tồn và giữ gìn di tích lịch sử đài chiến thắng Chân Mộng – Trạm Thản, làm nơi giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ hôm nay.
Ngày 15/11, đại diện Đảng ủy, chính quyền địa phương, đoàn viên thanh niên và nhân dân xã Chân Mộng đã tổ chức thắp hương tưởng nhớ công lao của lớp cha anh đi trước, làm nên chiến thắng Chân Mộng – Trạm Thản lẫy lừng cách đây vừa tròn 65 năm. Di tích chiến thắng Chân Mộng - Trạm Thản là dấu tích kỷ niệm về trận đánh phục kích vô cùng ác liệt và thắng lợi vẻ vang của Trung đoàn 36 và lực lượng vũ trang địa phương vào ngày 17/11/1952 với các địa điểm chính trên quốc lộ 2 địa phận xã Chân Mộng và điểm giáp ranh giữa 2 xã Chân Mộng (huyện Đoan Hùng), Trạm Thản (huyện Phù Ninh). Bồi hồi, xúc động và cảm thấy tự hào về truyền thống lịch sử là cảm nhận chung của các bạn trẻ khi được tới đây. Đồng chí Lê Hà Giang – Phó bí thư Đoàn xã Chân Mộng – huyện Đoan Hùng cho biết: Tôi cảm thấy rất vinh dự tự hào là người con được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất anh hùng. Qua đó chúng tôi cũng thấy trách nhiệm của tuổi trẻ là phải cố gắng học tập, lao động sản xuất xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Cùng với hoạt động trao đổi, thông tin về trận đánh lịch sử, tuổi trẻ xã Chân Mộng và nhân dân địa phương còn tổ chức hoạt động dọn dẹp, vệ sinh, chỉnh trang lại khuôn viên của Đài chiến thắng Chân Mộng – Trạm Thản. Đây là một hoạt động thường xuyên của nhân dân Chân Mộng, qua đó nhằm bảo tồn, giữ gìn di tích như một nhân chứng sống của lịch sử. Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Huyền- Phó bí thư Đảng ủy xã Chân Mộng - huyện Đoan Hùng cho biết: Hàng năm Đảng ủy, chính quyền địa phương đều tổ chức lễ viếng vào các ngày kỷ niệm đồng thời giao cho các tổ chức đoàn thể chủ trì dọn dẹp, quản lý bảo vệ di tích lịch sử,…
65 năm đã trôi qua cùng với biết bao biến động của lịch sử, thiên nhiên, đời sống kinh tế xã hội… song những tên gọi của vùng đất, của các địa điểm diễn ra trận chiến thắng vang dội ngày 17/11/1952 vẫn còn ghi dấu vào lịch sử và trong kí ức của những người dân nơi đây. Đảng bộ huyện Đoan Hùng và xã Chân Mộng luôn chú trọng công tác tuyên truyền giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ về ý nghĩa của một trong những chiến thắng hào hùng của dân tộc.