Trong không khí vui mừng, phấn khởi của nhân dân cả nước và tỉnh Phú Thọ chào mừng kỷ niệm 79 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945-19/8/2024) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945-02/9/2024), Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Đoan Hùng hân hoan chào đón sự kiện chính trị quan trọng kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Đảng bộ huyện Đoan Hùng (19/8/1947-19/8/2024).
Là huyện trung du miền núi nằm ở phía Bắc của tỉnh Phú Thọ, có diện tích tự nhiên là 302,4 km2 và 22 đơn vị hành chính, Đoan Hùng là vùng đất có bề dày truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng. Đặc biệt, từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân các dân tộc huyện Đoan Hùng đã cùng nhân dân cả nước kiên cường, dũng cảm đấu tranh đánh thắng giặc ngoại xâm và đoàn kết xây dựng quê hương, đất nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, trải qua 77 năm xây dựng và trưởng thành, huyện Đoan Hùng hôm nay đang đổi thay từng ngày, vững vàng trên con đường đổi mới, hội nhập, phát triển bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đó chính là kết quả của sự đoàn kết, sự nỗ lực phấn đấu và phát triển của toàn Đảng bộ và các thế hệ người dân quê hương đất Bưởi anh hùng.
Phần thứ nhất
THÀNH LẬP CHI BỘ ĐẢNG CỘNG SẢN ĐẦU TIÊN, TIỀN THÂN CỦA ĐẢNG BỘ HUYỆN ĐOAN HÙNG NGÀY NAY
Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử cách mạng nước ta. Cùng với sự phát triển của phong trào đấu tranh cách mạng ở các địa phương trong khắp cả nước, ở huyện Đoan Hùng đã có các cán bộ Đảng và quần chúng trung kiên về gây dựng cơ sở, nhen nhóm phong trào đấu tranh cách mạng (cuối năm 1939, đồng chí Đặng Ngọc Ky, đảng viên chi bộ Cát Trù (Cẩm Khê) do Ban cán sự Đảng tỉnh chỉ định đến Sóc Đăng để gây dựng cơ sở. Đến cuối năm 1941, đồng chí Trương Đình Dần, Ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ, đến công tác tại Sóc Đăng). Lúc này xã Sóc Đăng trở thành nơi liên lạc, là cơ sở cách mạng đầu tiên của huyện Đoan Hùng. Từ đây, ngọn lửa cách mạng bừng cháy và nhanh chóng tạo sức mạnh đoàn kết nhân dân các dân tộc Đoan Hùng thành một khối thống nhất, vùng lên phá tan xiềng xích của chế độ thực dân, phong kiến, giành chính quyền huyện về tay nhân dân vào ngày 17/8/1945. Sau đó phối hợp với nhân dân các huyện bạn tham gia khởi nghĩa giành chính quyền tỉnh Phú Thọ.
Cách mạng tháng Tám thành công, nhân dân các dân tộc Đoan Hùng đang hân hoan bước vào cuộc sống mới trong độc lập, tự do thì thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Để đáp ứng với tình hình và nhiệm vụ mới của cách mạng Việt Nam, đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ nhất tổ chức vào đầu tháng 01/1947 đã ra Nghị quyết về công tác xây dựng Đảng. Tiếp đó, ngày 01/5/1947, Tỉnh uỷ quyết định cho các chi bộ ghép liên huyện được tách ra thành các chi bộ độc lập, để trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng ở từng địa phương. Thực hiện quyết định của Tỉnh ủy Phú Thọ, phân bộ Đảng Đoan Hùng, gồm 3 đảng viên (đồng chí Nguyễn Mai, Hà Thị Tảo, Mai Quốc Lâm) được tách ra khỏi chi bộ Đảng liên huyện Phù Ninh - Đoan Hùng. Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 19/8/1947, chi bộ Trần Phú - chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên ở Đoan Hùng được thành lập, đồng chí Nguyễn Mai được cử làm Bí thư chi bộ. Trụ sở làm việc của chi bộ đặt tại nhà Đoan (nhà cũ của Tây) phố Phủ Đoan.
Chi bộ Trần Phú - Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Đoan Hùng ra đời (sau này, ngày 19/8/1947 được lấy là ngày thành lập Đảng bộ huyện Đoan Hùng) là sự kiện chính trị quan trọng, là mốc son đánh dấu sự trưởng thành và phát triển của phong trào cách mạng trên quê hương Đoan Hùng. Từ đây, mỗi bước đi, mọi sự thành công trên chặng đường cách mạng của nhân dân Đoan Hùng trong suốt 77 năm qua đều gắn liền với sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của chi bộ Trần Phú - của Đảng bộ huyện Đoan Hùng.
Phần thứ hai
ĐẢNG BỘ HUYỆN LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN XÂY DỰNG, BẢO VỆ HẬU PHƯƠNG, CHI VIỆN SỨC NGƯỜI, SỨC CỦA CHO TIỀN TUYẾN TRONG HAI CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP VÀ ĐẾ QUỐC MỸ XÂM LƯỢC (1947 - 1975)
1. Lãnh đạo nhân dân vừa kiến quốc, vừa kháng chiến (1947 - 1954)
Ra đời trong những năm đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng bộ huyện Đoan Hùng đã nhanh chóng trưởng thành, để gánh vác nhiệm vụ lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong huyện cùng nhân dân cả nước tiến hành cuộc kháng chiến “Toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính” theo lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đoan Hùng là mảnh đất tuyến đầu của tỉnh Phú Thọ, cửa ngõ lên chiến khu Việt Bắc, bị kẻ địch thường xuyên càn quét, đánh phá ác liệt. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, quân dân Đoan Hùng đã kiên cường bám đất, bám làng, tham gia chiến đấu, đóng góp công sức, mồ hôi và xương máu cho nhiều trận đánh lớn diễn ra ngay trên quê hương. Đảng bộ và nhân dân Đoan Hùng tự hào đã góp phần làm nên những chiến thắng vang dội, hiển hách đi vào lịch sử cách mạng Việt Nam, như: Chiến thắng Sông Lô lịch sử (ngày 24/10/1947); chiến thắng Chân Mộng - Trạm Thản lẫy lừng (ngày 17/11/1952). Nhiều địa danh đã đi vào lịch sử như Lã Hoàng, Ngọc Chúc (Chí Đám), Gò Đồn (Thọ Sơn), Hữu Đô, Đại Nghĩa, Phú Thứ, Sóc Đăng, Hùng Long, Vụ Quang, Sông Lô, Cầu Hai - Chân Mộng… Nhiều tấm gương tiêu biểu gan dạ, kiên cường trong phục vụ và tham gia chiến đấu như Trần Văn Trọng (Chí Đám) được mệnh danh là “Chú bé bông lau”, cụ Nguyễn Văn Kính (Chân Mộng) và biết bao người dân Đoan Hùng khác, cùng các đội dân quân, du kích các xã Lê Đồng, Hùng Sơn, Tây Sơn, Cầu Hai … đã được khắc ghi vào trang sử vàng trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.
Trong chín năm trường kỳ kháng chiến, Đoan Hùng đã đóng góp trên bảy nghìn lượt dân công phục vụ các chiến dịch, cung cấp hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm cùng nhiều phương tiện vật chất khác phục vụ cho tiền tuyến. Hàng ngàn con em Đoan Hùng đã lên đường chiến đấu, trong đó gần một trăm người đã anh dũng hy sinh, được công nhận là liệt sỹ, trên một trăm thương, bệnh binh để lại một phần máu thịt trên các chiến trường.
Đảng bộ và nhân dân Đoan Hùng còn tự hào bởi mảnh đất quê mình là nơi sớm có truyền thống cách mạng, người dân nơi đây đã từng nuôi dưỡng, chở che cho nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng về hoạt động cách mạng, như các đồng chí Lê Đồng, Trương Đình Dần, Trần Đăng Ninh xứ ủy Bắc kỳ. Tại nhà ông Cao Đắc Hiên, làng Tăng Mỹ, xã Tiêu Sơn, đồng chí Trường Chinh Tổng Bí thư của Đảng đã ở và làm việc gần một tháng. Cuối tháng 3/1947, trên đường lên chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ đã nghỉ chân và làm việc từ ngày 30/3 đến ngày 01/4/1947, tại gia đình ông Nguyễn Hữu Đa (xã Yên Kiện). Trong 2 năm 1947 và 1948, nhiều cơ quan đơn vị quân đội về đóng tại huyện, trong đó có đơn vị Thủy quân đóng và luyện tập tại chợ Giàn, xã Hùng Vương (nay là xã Hùng Xuyên); Xưởng Công binh của Bộ Quốc phòng đóng tại xã Hùng Vương; Xưởng Quân giới K8 đóng tại xã Đông Khê (tiền thân của ngành Quân giới Việt Nam), Xưởng May mặc Bộ quốc phòng đóng ở Tây Cốc. Giữa năm 1953, tại xã Hùng Vương, hội nghị thanh niên 2 nước Việt - Lào đã được tổ chức trong 7 ngày, nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của 2 nước đến dự. Thời gian các đồng chí lãnh đạo Đảng, các cơ quan, đơn vị của Trung ương hoạt động và đóng quân ở địa phương đã nhận được sự che chở, giúp đỡ tận tình của Đảng bộ và nhân dân Đoan Hùng. Đảng bộ và nhân dân Đoan Hùng mãi mãi tự hào đã góp một phần công sức cùng nhân dân cả nước viết lên trang sử hào hùng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
2. Lãnh đạo nhân dân vừa xây dựng CNXH, vừa tham gia kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975)
Sau hòa bình lập lại, trước yêu cầu và nhiệm vụ mới của cách mạng Việt Nam, Đảng bộ huyện tiếp tục lãnh đạo nhân dân bắt tay vào hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, sẵn sàng đánh trả chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ và chi viện sức người, sức của cho đồng bào miền Nam ruột thịt.
Trong thời gian 10 năm (1954 - 1964), Đoan Hùng đã hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế. Trên địa bàn huyện có nhiều điểm sáng trong sản xuất nông nghiệp được nhân dân cả nước biết đến. Tiêu biểu là hợp tác xã Đồng Tâm (nay thuộc Thị trấn Đoan Hùng) là hợp tác xã có nhiều thành tích về tổ chức sản xuất, khai phá đồi hoang, nâng cao năng xuất cây trồng, quyết tâm thi đua đuổi kịp hợp tác xã Đại Phong, một hợp tác xã điển hình của tỉnh Quảng Bình và toàn miền Bắc trong những năm đầu xây dựng hợp tác xã. Một vinh dự lớn lao đến với Đảng bộ và nhân dân Đoan Hùng, ngày 20/3/1961, Bác Hồ về thăm Hợp tác xã Đồng Tâm. Tại đây Người đã dặn dò: “Đồng Tâm là cùng một lòng, muốn hợp tác xã vững mạnh phải đoàn kết chặt chẽ, phải có tinh thần làm chủ tập thể và hăng hái sản xuất, thực hành tiết kiệm…”; Bác còn nhắc nhở: “Cán bộ phải bàn bạc với bà con xã viên, cùng một lòng xây dựng hợp tác xã, không được quan liêu, mệnh lệnh... Muốn hợp tác xã vững, cán bộ phải gương mẫu, liêm khiết, không được tham ô…”. Hơn nửa thế kỷ đã qua đi, những lời dặn dò, nhắc nhở của Bác vẫn luôn khắc sâu trong tâm khảm mỗi người dân Đoan Hùng.
Khi giặc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân, Đoan Hùng là một trong những địa bàn của tỉnh Phú Thọ bị giặc Mỹ đánh phá ác liệt, nhưng Đảng bộ và nhân dân trong huyện vẫn vững vàng, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, dũng cảm trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, duy trì sản xuất, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước, giữ vững trật tự an ninh ở địa phương, góp phần đánh bại chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, từ năm 1965 đến năm 1975, Đoan Hùng đã thực hiện 45 đợt tuyển quân. Tổng số thanh niên tham gia quân đội là 4.448 người, trong đó có trên chín trăm người đã chiến đấu dũng cảm và hy sinh quên mình vì độc lập tự do của Tổ quốc, hàng trăm người là thương binh, bệnh binh, để lại một phần máu thịt trên các chiến trường. Cũng trong mười năm đó, Đoan Hùng đã chi viện cho tiền tuyến 21.485 tấn lương thực và hàng ngàn tấn thực phẩm, nông sản khác. Đây là một sự cố gắng rất lớn, một thành tựu đáng tự hào của Đảng bộ và nhân dân huyện nhà.
Cuộc tổng tiến công nổi dậy vào Mùa xuân năm 1975 kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã khép lại cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ, hy sinh anh dũng của nhân dân Việt Nam. Nam - Bắc thống nhất, non sông đất nước thu về một mối. Thắng lợi đó có một phần hy sinh và đóng góp của đảng bộ và nhân dân Đoan Hùng. Tuy nhiên, đất nước hòa bình chưa được bao lâu thì chiến tranh biên giới lại xảy đến. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, quân và dân các dân tộc Đoan Hùng lại vừa phải phát triển sản xuất, vừa chi viện sức người, sức của để đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Trong 2 cuộc kháng chiến trường kì chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược và cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới của Tổ quốc, huyện Đoan Hùng có hơn một vạn người con lên đường chiến đấu trên khắp các chiến trường của đất nước, 95 bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt nam Anh hùng, có 1.339 liệt sĩ, 1.158 thương binh, 374 bệnh binh, 109 cán bộ tiền khởi nghĩa, 26 cán bộ lão thành cách mạng; 773 người bị nhiễn chất độc da cam.
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đoan Hùng vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 01 Huân chương Quân công hạng Nhì về thành tích xây dựng lực lượng vũ trang, 02 Huân chương kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Bằng khen, Cờ thi đua của Chính phủ, 02 Huân chương lao động hạng Ba và hạng Nhì; Nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân 5 xã: Chí Đám, Hữu Đô, Đại Nghĩa, Phú Thứ và Chân Mộng được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp; có 06 tâp thể và 08 cá nhân được tặng thưởng Huân chương lao động; 48 lượt xã, thị trấn được thưởng Huân chương kháng chiến cùng nhiều cờ luân lưu, bằng khen khác; có trên 25 nghìn lượt người được tặng thưởng Huân, Huy chương các loại.
Phần thứ ba
ĐẢNG BỘ HUYỆN ĐOAN HÙNG LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, THỰC HIỆN CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI
Có thể nói truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng, cùng với tinh thần đoàn kết, sự cần cù, sáng tạo mãi mãi là niềm tự hào, là hành trang để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đoan Hùng vững bước trên con đường đổi mới, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.
Qua các nhiệm kỳ Đại hội, Đảng bộ huyện đã đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp sát với tình hình thực tế và có bước đi phù hợp, đặc biệt tại Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXIII đề ra mục tiêu “Tăng cường công tác xây dựng Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị; phát huy truyền thống đoàn kết, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế và các nguồn lực, xây dựng huyện Đoan Hùng phát triển toàn diện, bền vững”. Với ý chí, quyết tâm của toàn đảng bộ và các tầng lớp nhân dân trong huyện, được sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, các sở, ban, ngành của tỉnh, Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân trong huyện đã kiên trì, nỗ lực vượt qua những khó khăn, thử thách và giành được những kết quả quan trọng.
Từ một huyện nghèo, kinh tế chậm phát triển, đến nay kinh tế - xã hội của huyện có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đoan Hùng đã nỗ lực, tận dụng thời cơ, huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo sự đột phá về kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới. Hệ thống điện, đường, trường, trạm ngày càng phát triển, hạ tầng cung cấp điện tiếp tục được đầu tư, hạ tầng thông tin truyền thông phát triển mạnh…
Cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của huyện chuyển dịch theo hướng tích cực. Sản xuất nông-lâm-thuỷ sản tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung, sản xuất nông nghiệp sạch và công nghệ cao; triển khai các mô hình liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, đã có 42/50 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; hình thành 2 vùng sản xuất bưởi diện tích 1.804 ha; xây dựng thành công mô hình cánh đồng mẫu lớn diện tích 30 ha tại xã Chí Đám; huyện có 25 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 2 sản phẩm đạt 4 sao; giá trị sản phẩm bình quân trên 1ha đất canh tác trên 137 triệu đồng. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được huyện triển khai quyết liệt, đến nay toàn huyện có 17/21 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 200 khu dân cư đạt chuẩn nông thôn mới; 4 khu dân cư đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Trong lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ, phát huy các lợi thế sẵn có của địa phương, huyện đẩy mạnh phát triển các làng nghề truyền thống gắn với quy hoạch các khu vực sản xuất tiểu thủ công nghiệp; các cụm công nghiệp trên địa bàn đang được triển khai cơ bản đáp ứng tiến độ nhằm thu hút đầu tư, tạo mặt bằng ưu tiên cho phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích được đầu tư mở rộng và phát triển cả về số lượng và chất lượng; hệ thống chợ được khôi phục và duy trì ổn định. Các dịch vụ tín dụng, ngân hàng, bảo hiểm, bưu chính, viễn thông đã đáp ứng tốt nhu cầu của nhân dân. Công tác quản lý thị trường, xúc tiến thương mại được tăng cường...
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ và đạt kết quả tích cực. Giáo dục và đào tạo của huyện luôn duy trì trong tốp đầu của tỉnh Phú Thọ; có 93,7% trường học đạt chuẩn Quốc gia. Dịch vụ y tế ngày càng phát triển với nhiều kỹ thuật hiện đại, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân; chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 94,3%. Tiếp tục duy trì và nâng cao bộ tiêu chí quốc gia về y tế của 22 xã, thị trấn. Hoạt động văn hoá, thể dục, thể thao, thông tin tuyên truyền được triển khai tích cực. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được củng cố vững chắc, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện. Bộ mặt nông thôn khởi sắc, tạo sự tin tưởng, phấn khởi trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được Đảng bộ huyện đặc biệt chú trọng, trong đó tập trung chỉ đạo toàn diện, gắn việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Chỉ thị số 05-CT/TW và Kết luận số 01-KL/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cùng các quy định về trách nhiệm nêu gương tới toàn thể cán bộ, đảng viên. Qua đó, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng và chất lượng đảng viên được nâng lên; hệ thống chính trị được củng cố; hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đã tập trung hướng về cơ sở và đã thực hiện tốt quy chế phối hợp trong các hoạt động. Cải cách hành chính, sắp xếp sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã và khu dân cư được triển khai tích cực theo hướng tinh gọn, hoạt động ổn định, hiệu quả.
Chặng đường lịch sử vẻ vang đã qua cũng như những thành quả của ngày hôm nay minh chứng cho tinh thần chiến đấu, hy sinh, sự đoàn kết nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức của lớp lớp cán bộ, đảng viên và nhân dân Đoan Hùng trong công cuộc xây dựng, kiến thiết quê hương. Trước yêu cầu phát triển của thời kỳ đổi mới, việc củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc của địa phương đòi hỏi cần phải đẩy mạnh hơn nữa, với quan điểm: “Tăng cường công tác xây dựng Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị, phát huy truyền thống đoàn kết; khai thác tốt tiềm năng, lợi thế và các nguồn lực, xây dựng huyện Đoan Hùng phát triển toàn diện, bền vững”. Đảng bộ huyện Đoan Hùng xác định tiếp tục phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, nâng cao vai trò lãnh đạo toàn diện của chi bộ khu dân cư và phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ thành vùng, khu vực tập trung theo hướng bền vững. Tập trung lãnh đạo triển khai thực hiện có hiệu quả khâu đột phá: Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và kinh doanh để thu hút nguồn lực đầu tư cho phát triển, trọng tâm là phát triển cơ sở hạ tầng then chốt. Đảng bộ và nhân dân trong huyện phát huy truyền thống cách mạng của một huyện Anh hùng, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới, năng động và sáng tạo, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, xây dựng huyện Đoan Hùng phát triển mạnh về kinh tế, văn hoá, xã hội, vững về chính trị, vững bước trên con đường đổi mới, cùng với nhân dân cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Với những giá trị truyền thống cùng quyết tâm chính trị cao, tin tưởng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đoan Hùng sẽ tạo nên nhiều dấu ấn trên những chặng đường tiếp theo.
Phần thứ tư
BẢNG VÀNG TRUYỀN THỐNG
Trong sự nghiệp đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, toàn huyện Đoan Hùng có:
- 1.339 liệt sỹ; 1.158 thương binh; 374 bệnh binh, 109 cán bộ tiền khởi nghĩa, 26 cán bộ lão thành cách mạng; 95 bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; 773 nạn nhân chất độc da cam.
- Ngày 18/6/2003, huyện Đoan Hùng vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
- Đảng bộ và nhân dân huyện Đoan Hùng được Nhà nước tặng thưởng các phần thưởng cao quý: 01 Huân chương Quân công hạng Nhì về thành tích xây dựng lực lượng vũ trang, 2 Huân chương kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
- Nhân dân và cán bộ huyện Đoan Hùng: Bằng khen của Thủ tướng năm 2012, Cờ thi đua của chính Phủ năm 2013, Huân chương lao động hạng Ba năm 2014; Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2023.
- Có 5 xã: Hữu Đô, Đại Nghĩa, Phú Thứ, Chân Mộng, Chí Đám được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp; 6 đơn vị được tặng thưởng Huân chương lao động; 8 cá nhân được tặng thưởng Huân chương lao động.
- Có 48 lượt xã được thưởng Huân chương kháng chiến cùng nhiều cờ luân lưu, bằng khen, giấy khen khác.
- Có trên 25 nghìn lượt người được tặng thưởng Huân, Huy chương các loại.
Trong thực hiện công cuộc đổi mới, CNH - HĐH đất nước:
- Nhân dân và cán bộ huyện Đoan Hùng được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2014;
- Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đoan Hùng được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2023
- 51 tập thể, 52 cá nhân được tuyên dương khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Trong đó có:
+ 01 tập thể được Chính phủ tặng bằng khen;
+ 02 tập thể và 03 cá nhân được tỉnh tặng bằng khen;
+ 01 cá nhân tiêu biểu được biểu dương, khen thưởng tại hội nghị toàn quốc;
+ 01 cá nhân được tặng bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương.
Kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Đảng bộ huyện là dịp để nhân dân huyện Đoan Hùng ôn lại truyền thống hào hùng xây dựng và phát triển của dân tộc Việt Nam nói chung và của huyện Đoan Hùng nói riêng. Cổ vũ và nâng cao hơn nữa ý chí tự lực, tự cường của đảng bộ và nhân dân trong huyện quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng./.
BAN TUYÊN GIÁO HUYỆN ỦY ĐOAN HÙNG