Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã khẳng định một chân lý: Dựng nước phải đi đôi với giữ nước. Chân lý đó đã trở thành truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc, đồng thời là một quy luật nội tại của quá trình xây dựng và phát triển bền vững đất nước. Bài học quý báu về "dựng nước đi đôi với giữ nước" trong lịch sử dân tộc được Chủ tịch Hồ Chí Minh phát triển thành tư tưởng chỉ đạo chiến lược, giữ vị trí trụ cột trong hệ thống các quan điểm sâu sắc và toàn diện của Cách mạng Việt Nam: "Dựng nước đi đôi với giữ nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội phải gắn liền với bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa"; kết hợp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc được tiến hành trong cả hòa bình cũng như khi đất nước có chiến tranh. Sau khi kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, trên đường đi từ Việt Bắc về Phú Thọ, tại Ðền thờ các Vua Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ân cần căn dặn cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên phong trước khi về tiếp quản Thủ đô: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Tư tưởng chỉ đạo của Người đối với quân và dân ta đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị về bài học dựng nước đi đôi với giữ nước, bài học về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân để giữ vững toàn vẹn non sông mà tiền nhân đã dày công gây dựng.
|
Một góc thị trấn Đoan Hùng |
Thấm nhuần tư tưởng của Người, trong những năm qua, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc huyện Đoan Hùng đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội và đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đoan Hùng là địa bàn chiến lược, có 2 tuyến Quốc lộ 2 và Quốc lộ 70 đi qua và có 2 con sông Lô, sông Chảy chảy qua, là cửa ngõ lên chiến khu Việt Bắc nên trở thành điểm nóng của chiến sự, bị kẻ địch thường xuyên càn quét, đánh phá ác liệt. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, Đoan Hùng một mặt tích cực củng cố, xây dựng lực lượng mọi mặt cho kháng chiến, mặt khác, tập trung sức lãnh đạo quân, dân chống địch càn quét, bảo vệ quê hương, đã tạo nên những thành tựu quan trọng, cùng bộ đội chủ lực làm nên chiến thắng sông Lô thu đông và chiến thắng Cầu hai Chân Mộng lừng lẫy đi vào sử sách dân tộc.
Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh và của Đảng ta: "Xây dựng miền Bắc đi lên chủ nghĩa xã hội và giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà; "Xây dựng miền Bắc là cái nền, cái gốc để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước", Đoan Hùng đã đoàn kết, nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn, cùng bắt tay vào hàn gắn vết thương chiến tranh cũng như khắc phục hậu quả do thiên tai khắc nghiệt gây ra, khôi phục và từng bước xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, tạo nguồn chi viện cho tiền tuyến lớn Miền Nam, đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện và nâng lên; nghĩa vụ đối với Nhà nước hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu giao, trong 10 năm (1965-1975), Đoan Hùng đã chi viện cho tiền tuyến 21.485 tấn lương thực và hàng trăm ngàn tấn thực phẩm, nông sản khác. Nhiều điểm sáng trong phát triển nông nghiệp đã xuất hiện, tiêu biểu là hợp tác xã Đồng Tâm được nhân dân cả nước biết đến vì có nhiều thành tích trong tổ chức sản xuất, khai phá đồi hoang nâng cao năng xuất cây trồng, quyết tâm thi đua đuổi kịp hợp tác xã Đại Phong, một hợp tác xã điển hình của tỉnh Quảng Bình và toàn miền Bắc trong những năm đầu xây dựng hợp tác xã. Ngày 21/6/1961, Đoan Hùng đã vinh dự được đón Bác Hồ đã về thăm hợp tác xã Đồng Tâm. Cùng với phát triển kinh tế, Đoan Hùng luôn chú trọng phát triển văn hóa - xã hội thu được nhiều kết quả tích cực, các phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng, phong trào bình dân học vụ, huy động số người chưa biết chữ đi học được phát động; đẩy mạnh việc sửa chữa, nâng cấp và mở rộng quy mô mạng lưới trường lớp học, thu hút đông đảo con em nhân dân trong huyện đến trường học tập; quan tâm sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân.
Trong giai đoạn từ 1976-1986, khi đất nước bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đoan Hùng đã thực hiện thành công kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ 2 và thứ 3, giành được những thắng lợi trên lĩnh vực kinh tế - xã hội và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Huyện đã tích cực nghiên cứu và triển khai các mô hình kinh tế trang trại, nông trại, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, tạo ra các vùng sản xuất tương đối tập trung, trở thành địa phương có công lớn đi đầu trong việc phủ xanh đất trống, đồi núi trọc tại tỉnh Phú Thọ. Kinh tế phát triển đã tác động đến các mặt của đời sống văn hóa - xã hội, người dân tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của Đảng và chính quyền.
Thực hiện đường lối đổi mới đất nước, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc Đoan Hùng đã nêu cao tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn, phát huy hiệu quả các nguồn lực tại địa phương cho sự phát triển và tạo sự chuyển biến hết sức quan trọng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, xây dựng Đảng. Từ một huyện nghèo, thuần nông, chậm phát triển; đến nay cơ cấu kinh tế nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, đến nay kinh tế - xã hội của huyện có nhiều khởi sắc, đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt. Sản xuất nông-lâm-thuỷ sản duy trì và phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung; dần hình thành các mô hình liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, đã có 33/50 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; hình thành 2 vùng sản xuất bưởi diện tích 1.804 ha; xây dựng thành công mô hình cánh đồng tập trung diện tích 30 ha tại xã Chí Đám; huyện có 25 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên, trong đó 2 sản phẩm đạt hạng 4 sao; giá trị sản phẩm bình quân trên 1ha đất canh tác và nuôi trồng thủy sản trên 137 triệu đồng. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai quyết liệt, đến nay có 17/21 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 200 khu dân cư đạt chuẩn nông thôn mới; 4 khu dân cư đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Trong phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, mặc dù là huyện không nằm trong vùng trọng điểm đầu tư của tỉnh Phú Thọ. Song Đảng bộ huyện đã tập trung lãnh đạo, phát huy nội lực, đẩy mạnh phát triển các làng nghề truyền thống gắn với quy hoạch các khu vực sản xuất TTCN; xây dựng các cụm công nghiệp, thu hút đầu tư, tạo mặt bằng ưu tiên cho phát triển sản xuất CN-TTCN. Đến nay cụm công nghiệp Sóc Đăng đã thu hút được 06 doanh nghiệp tham gia sản xuất, trong đó có 04 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ổn định góp phần tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động trong và ngoài huyện. Bên cạnh đó, cụm công nghiệp Nam Đoan Hùng, cụm công nghiệp Ngọc Quan đang được đẩy nhanh tiến độ. Cảng Sóc Đăng được hình thành với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, trên bến dưới thuyền, hoạt động tấp nập.
|
Cầu sông Lô được hình thành thuận tiện cho việc đi lại và giao thương hàng hóa của người dân đôi bờ |
Cơ sở hạ tầng của huyện được đầu tư xây dựng cơ bản đồng bộ. Các công trình Quảng trường và nhà Trung tâm hội nghị huyện được đầu tư xây dựng; đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, đường Âu Cơ, tỉnh lộ 319 hoàn thành đưa vào sử dụng. Hệ thống đường giao thông nông thôn được đầu tư, mở rộng, cứng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa và đi lại của Nhân dân. Thị trấn Đoan Hùng được chỉnh trang, xây dựng; các trụ sở làm việc của các cơ quan cấp huyện và các xã, thị trấn được đầu tư xây dựng, mở rộng khang trang. Hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích được hình thành, phát triển; các dịch vụ tín dụng, ngân hàng, bảo hiểm, bưu chính, viễn thông đáp ứng tốt nhu cầu của Nhân dân.
Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ và đạt kết quả tích cực. Giáo dục và đào tạo của huyện luôn duy trì trong tốp đầu của tỉnh Phú Thọ. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao tiếp tục duy trì phát triển sâu rộng. Mạng lưới y tế từ huyện đến cơ sở được củng cố, phát triển cả công lập và tư lập với nhiều kỹ thuật hiện đại, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của Nhân dân. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 94,3%. Tiếp tục duy trì và nâng cao bộ tiêu chí quốc gia về y tế của 22 xã, thị trấn. Việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã và khu dân cư được triển khai tích cực theo hướng tinh gọn, bước đầu ổn định, hoạt động có hiệu quả. Trong giai đoạn đầu, huyện đã tiến hành sáp nhập 9 xã thành 3 xã, giai đoạn 2 chủ trương tiến hành sáp nhập 14 xã thành 6 xã; sau 2 lần sáp nhập, toàn huyện sẽ còn 13 xã, 1 thị trấn với 220 khu dân cư.
Bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, tạo sự tin tưởng, phấn khởi trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, tạo bầu không khí đoàn kết, dân chủ trong Đảng, trong Nhân dân cùng chung tay góp sức xây dựng quê hương Đoan Hùng phát triển toàn diện, bền vững, góp phần cùng với các địa phương trong cả nước vững bước trên con đường đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam độc lập, hùng cường, phồn vinh, giàu mạnh.
Những thành tích, kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Đoan Hùng đã đạt được trong từng giai đoạn, là do huyện đã vận dụng thành công tư tưởng chỉ đạo của Hồ Chí Minh đó là "Dựng nước đi đôi với giữ nước". Tư tưởng chỉ đạo của Người mãi là mục tiêu hành động, là hành trang để Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Đoan Hùng đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, củng cố và giữ vững quốc phòng, an ninh xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Ngô Thị Thu Hiên - Ban Tuyên giáo Huyện ủy