Xác định đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân có tầm quan trọng chiến lược, đặt trong tổng thể của việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và Chương trình hành động số 20-CTr/HU của Huyện ủy Đoan Hùng về thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI), Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan và ngành giáo dục huyện tăng cường quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện nghiêm túc Kết luận số 94-KL/TW và Hướng dẫn số 127-HD/BTGTW; chú trọng đẩy mạnh việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, học tập lý luận chính trị theo hướng sát thực tiễn, phù hợp với từng đối tượng, khắc phục tình trạng máy móc, giáo điều, khô cứng trong giảng dạy; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, bố trí đủ giảng viên, giáo viên giảng dạy lý luận chính trị cho các nhà trường, Trung tâm; tăng cường quản lý, chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá quá trình giảng dạy và học lý luận chính trị. Chú trọng đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, các trang thiết bị đáp ứng yêu cầu dạy và học của các cấp học trong huyện.
Ban Thường vụ Huyện ủy đã quan tâm chỉ đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy phối hợp với UBND huyện hướng dẫn ngành giáo dục huyện quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận số 94-KL/TW và Hướng dẫn số 127-HD/BTGTW đến đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, giáo viên các bậc học trong toàn huyện. Kết quả, tổ chức 01 hội nghị cấp huyện cho 90 đồng chí là hiệu trưởng các trường học từ bậc học mầm non đến trung học phổ thông; 100% các trường học quán triệt tới cán bộ quản lý và giáo viên thông qua sinh hoạt chi bộ, họp hội đồng trường. Qua đó, đã tạo được sự đồng thuận cao của đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, giáo viên trong việc quản lý, rèn luyện tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống đối với học sinh và giảng dạy, học tập đạo đức, giáo dục công dân trong các nhà trường ở các cấp học theo hướng thống nhất, thiết thực, hiệu quả.
Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo Trung tâm Chính trị và ngành giáo dục huyện bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của ngành Tuyên giáo và ngành Giáo dục cấp trên chỉ đạo, hướng dẫn các cấp học xây dựng, điều chỉnh và tổ chức thực hiện các chương trình học tập lý luận chính trị, đạo đức và giáo dục công dân trong chương trình nhiệm vụ năm học hằng năm. Chỉ đạo Trung tâm Chính trị huyện xây dựng để phê duyệt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng LLCT hằng năm; các kế hoạch, văn bản về công tác chuyên môn của Trung tâm đều có nội dung tập trung vào đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy, học tập LLCT.
Trung tâm Chính trị và ngành giáo dục huyện thường xuyên đổi mới việc dạy và học lý luận chính trị, đạo đức và giáo dục công dân theo hướng sát thực tiễn, phù hợp với từng đối tượng học; phát huy tính tự giác, tinh thần trách nhiệm, thường xuyên tự học tập, tự nghiên cứu, tính chủ động, sáng tạo và tham gia các hoạt động xã hội của người học; đa dạng hóa phương thức tiếp cận kiến thức; đổi mới hình thức thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, sử dụng công nghệ thông tin; tăng cường vai trò, trách nhiệm của giảng viên, giáo viên trong giảng dạy. Trong giảng dạy, chú trọng tích hợp nội dung giáo dục đạo đức, giáo dục công dân vào các môn học, hoạt động trải nghiệm, hoạt động đoàn, đội, hội…từ đó phát triển kỹ năng sống và sẵn sàng thực hiện trách nhiệm công dân trong việc học tập, làm việc và đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.
|
Giảng viên Trung tâm Chính trị huyện truyền đạt nội dung tập huấn bồi dưỡng chính trị hè cho đội ngũ giáo viên trên địa bàn huyện năm 2024 |
Trong quá trình soạn giảng, các giảng viên đã chủ động lựa chọn, bổ sung, cập nhật những thông tin mới, thông tin thời sự nổi bật, kết hợp lồng ghép với các nội dung chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh toàn khóa và hằng năm; nghị quyết đại hội đảng các cấp; về giáo dục lịch sử địa phương; về phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương để đưa vào bài giảng, giúp cho người học dễ hiểu, dễ tiếp thu, cập nhật kiến thức; tổ chức cho người học một số lớp đi nghiên cứu học tập thực tế trong, ngoài tỉnh. Kết quả, trong 10 năm tại Trung tâm Chính trị huyện đã mở được 07 lớp trung cấp lý luận chính trị cho 525 học viên; 242 lớp bồi dưỡng chuyên đề, nghiệp vụ công tác Đảng, Mặt trận, các đoàn thể, hội cho 20.788 học viên là cán bộ, đảng viên và quần chúng ở cơ sở.
Ban Thường vụ Huyện ủy đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, giáo viên lý luận chính trị; thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng chính trị hè cho giáo viên; định kỳ cung cấp thông tin thời sự, chính sách cho đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên và giáo viên. Đến nay, 100% cán bộ quản lý có trình độ lý luận chính trị từ Trung cấp trở lên; có 29 giáo viên được đào tạo chuyên ngành giáo dục chính trị cấp THCS, THPT; có 3/3 giảng viên chuyên trách Trung tâm Chính trị huyện trình độ thạc sỹ và cao cấp lý luận chính trị, 10 giảng viên kiêm chức trình độ đại học trở lên và cao cấp lý luận chính trị.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thì việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục phổ thông còn có những hạn chế, đó là: Một số trường THCS còn thiếu giáo viên nên phải dạy kiêm nhiệm, chậm đổi mới về phương pháp giảng dạy. Thời lượng dành cho bộ môn Giáo dục công dân ít, trong khi lượng kiến thức khá nhiều nên việc vận dụng kiến thức bài giảng vào thực tế chưa thường xuyên. Một bộ phận học sinh còn xem nhẹ, coi Giáo dục công dân là môn phụ.
Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 94-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân, Ban Thường vụ Huyện ủy Đoan Hùng xác định một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, đó là:
Một là, tiếp tục tuyên truyền sâu rộng Kết luận số 94-KL/TW của Ban Bí thư và Hướng dẫn số 127-HD/BTGTW của Ban Tuyên giáo Trung ương đến cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ quản lý, giảng viên, giáo viên các trường học trong toàn huyện, từ đó nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của mình trong việc đổi mới giảng dạy lý luận chính trị, đạo đức, giáo dục công dân cho người học.
Hai là, tiếp tục thực hiện nghiêm việc đổi mới toàn diện nội dung, phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng học tập lý luận chính trị, đạo đức, giáo dục công dân trong các bậc học. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giảng viên, giáo viên giảng dạy bộ môn Đạo đức, Giáo dục công dân ở các cấp học; bố trí đủ giáo viên được đào tạo chuyên môn lý luận chính trị cho các trường còn thiếu.
Ba là, tăng cường công tác phối hợp (Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Phòng Giáo dục - Đào tạo, Trung tâm Chính trị huyện, Huyện đoàn) trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc giảng dạy, học tập lý luận chính trị, giáo dục đạo đức, giáo dục công dân trong các nhà trường. Phát huy vai trò phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc giáo dục nhân cách của học sinh nhằm hướng học sinh đến những giá trị chân, thiện, mỹ.
Ngô Thị Thu Hiên - Ban Tuyên giáo HU Đoan Hùng