Nuôi bồ câu là hướng phát triển kinh tế không mới bởi vốn đầu tư ít, dễ chăm sóc, cho hiệu quả kinh tế cao nhưng nhiều hộ nông dân không dám mở rộng quy mô chăn nuôi bởi lo ngại vấn đề đầu ra cho sản phẩm, tuy nhiên với kinh nghiệm chăn nuôi nhiều năm cộng với việc chú ý đầu tư chăm sóc, chị Trần Thị Nhàn ở thôn Gò Măng, xã Chí Đám ( Đoan Hùng) đã có kinh tế khá nhờ chăn nuôi bồ câu.
Là một trong những người tiên phong nuôi chim bồ câu theo hướng hàng hóa từ nhiều năm nay, chị Nhàn đã đầu tư 50 đôi chim bồ câu giống. Chuồng chim được chị xây dựng thoáng mát, rộng rãi, quanh vườn chị quây lưới để chim có không gian bay lượn. Vừa nuôi chim bán, vừa để gây giống, gia đình chị hiện có trên 300 đôi bồ câu.
Nuôi bồ câu nhiều năm chị Nhàn cho biết: Bồ câu sinh trưởng và phát triển nhanh, từ lúc nở đến khi bồ câu ra ràng là 45 ngày. Trong khoảng thời gian ấy bồ câu mẹ có thể vừa đẻ vừa nuôi con nên gia đình tôi lúc nào cũng có chim bồ câu bán, số lượng nhiều hay ít tùy thời điểm. Mỗi cặp chim bồ câu có giá bán trung bình là 100. 000 đồng/cặp, mỗi tháng chị thu về trên 5 triệu đồng tiền lãi.
Nuôi chim bồ câu cho thu lợi trong thời gian ngắn, chi phí và rủi ro thấp nên phù hợp với cả những hộ khó khăn về vốn cũng như nguồn nhân lực. Nuôi chim hoàn toàn có thể tranh thủ thời gian, ngày cho ăn 2 lần và 3 ngày mới phải dọn chuồng một lần. Để phòng bệnh chỉ cần hòa thuốc vào nước cho chim uống.
Trong thời gian tới, Hội Nông dân xã dự định sẽ phối hợp với Hội liên hiệp phụ nữ tìm thêm các nguồn vốn và mở các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi để nhiều hộ nông dân cũng như chị em phụ nữ được tiếp cận nhiều hơn với nguồn vốn hỗ trợ và đặc biệt tìm được đầu ra ổn định, lâu dài thì chim bồ câu sẽ trở thành vật nuôi giúp hội viên phụ nữ và nhiều người dân xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu.
Kim Chi - Kim Tuyến