Thực hiện chủ trương của Huyện ủy Đoan Hùng về việc chuyển đổi diện tích rừng bạch đàn tái sinh sang trồng keo lai hạt ngoại, cùng với các địa phương khác trong toàn huyện, xã Vân Đồn đang tích cực vận động nhân dân tiếp tục phá bỏ bạch đàn tái sinh để chuyển sang trồng cây keo lai, phấn đấu trồng mới 26,5 ha trong năm 2013.
Ngay từ đầu năm, UBND xã đã triển khai kế hoạch tới từng khu dân cư, đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động để người dân thấy được lợi ích và hiệu quả kinh tế mà cây keo lai sẽ mang lại, từ đó mạnh dạn phá bỏ bạch đàn chuyển sang trồng keo lai. Cùng với nhiều hộ gia đình khác trên địa bàn, trước đây gần 3ha đất đồi của gia đình bà Lê Thị Lợi ở thôn 8 trồng toàn bộ là bạch đàn, sau mỗi đợt thu hoạch, gia đình giữ lại gốc để nuôi cây bạch đàn tái sinh. Nhiều lần như vậy, cây bạch đàn phát triển kém, thân còi cọc, chủ yếu để bán hàng cây chống, hoặc băm dăm, 3 – 4 năm mới thu được hơn chục triệu đồng, chưa kể đến việc trồng bạch đàn làm cho đất bạc màu nhanh. Theo hướng dẫn của ban Khuyến nông xã, cuối năm 2012, gia đình bà đã phá bỏ diện tích bạch đàn này để chuyển sang trồng keo lai. Mới trồng từ cuối tháng 2 năm 2013 tới nay, mà cây keo đã cao gần bằng đầu người, bà Lợi rất vui mừng khi thấy cây keo sinh trưởng, phát triển tốt mà lại đỡ công chăm sóc, cây keo giống và phân bón lót đều do Hạt Kiểm Lâm Đoan Hùng cung ứng.
Cùng với gia đình bà Lợi, gia đình bà Đinh Thị Hường ở thôn 8 cũng đã phá bỏ gần 1ha bạch đàn tái sinh chuyển sang trồng keo và bước đầu thấy cây keo phát triển tốt. Hiện nay, gia đình bà đang tiếp tục khai thác nốt diện tích bạch đàn còn lại để chuyển sang trồng keo.
Với sự đồng tình, ủng hộ của người dân địa phương tới thời điểm này toàn xã đã trồng đạt được gần 70% kế hoạch, phấn hoàn thành việc trồng mới 26,5 ha keo lai hạt ngoại của năm 2013 trong tháng 12 tới.
Trong những năm qua, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc mà các diện tích keo lai trồng trong những năm trước đều sinh trưởng, phát triển tốt. Những đồi keo 1 – 2 năm tuổi đã khoác lên mình chiếc áo màu xanh mướt thay cho những đồi bạch đàn tái sinh lưa thưa, còi cọc. Những đồi keo trồng 3 – 4 năm tuổi thì nay đã sắp cho thu hoạch, cây to, thân thẳng, đường kính bình quân đạt từ 10 – 15 cm.
Tin tưởng rằng với những chủ trương đúng đắn của Đảng cùng sự đồng lòng ủng hộ của người dân, chủ trương thay thế cây Bạch đàn băng cây keo lai sẽ thực sự đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả kinh tế cho mỗi người dân trồng rừng.
Nguyễn Tình