Diễn biến tình hình dịch bệnh trong nước
Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính đến 18h00 ngày 23/02/2022, Việt Nam lũy tích có 2.972.378 ca mắc COVID-19 (tăng 60.355 ca trong kỳ báo cáo); trong đó, có 2.320.722 ca điều trị khỏi; 39.719 ca tử vong.
Các tỉnh, thành phố có nhiều ca mắc mới: Hà Nội (7.419), Bắc Giang (2.998), Hải Dương (2.944), Hòa Bình (2.595), Bắc Ninh (2.505), Nam Định (2.203), Vĩnh Phúc (2.013), Quảng Ninh (1.868), Hải Phòng (1.816), Ninh Bình (1.739), Hưng Yên (1.617), Yên Bái (1.556)....
Diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh
ừ 18h00 ngày 22/02/2022 đến 18h00 ngày 23/02/2022, tỉnh Phú Thọ ghi nhận 2.499 ca mắc COVID-19 mới; trong đó, có 1.060 trường hợp F1 hoặc trong vùng cách ly, phong tỏa đã được quản lý; 1.439 trường hợp mắc mới trong cộng đồng.
Cụ thể các ca mắc mới: Thành phố Việt Trì 770 ca; huyện Tam Nông 309 ca; huyện Đoan Hùng 250 ca; huyện Cẩm Khê 200 ca; thị xã Phú Thọ 162 ca; huyện Thanh Ba 161 ca; huyện Hạ Hòa 158 ca; huyện Lâm Thao 145 ca; huyện Thanh Sơn 108 ca; huyện Tân Sơn 106 ca; huyện Thanh Thủy 50 ca; huyện Yên Lập 50 ca; huyện Phù Ninh 30 ca.
Số bệnh nhân khỏi bệnh và ra viện trong ngày 23/02/2022 là 1.152 ca. Số bệnh nhân đang được điều trị là 14.085 ca; trong đó, có 143.992 trường hợp điều trị tại nhà (chiếm 98,8%); 163trường hợp điều trị tại bệnh viện dã chiến của Trung ương (chiếm 1,2%).
Trong số các ca đang điều trị có 4.493 trẻ em dưới 16 tuổi (chiếm 31,9%); 68 phụ nữ có thai (chiếm 0,5%); 1.773 người trên 50 tuổi (chiếm 12,6%); 671 người trên 65 tuổi (chiếm 4,8%); 320 người bệnh nền (chiếm 2,3%).
Về tình trạng bệnh: Có 10.232 ca bệnh không triệu chứng (chiếm 72,6%); 3.772 ca mức độ nhẹ (chiếm 26,8%); 41 ca mức độ trung bình (chiếm 0,3%); 30 ca mức độ nặng (chiếm 0,2%) và 10 ca mức độ nguy kịch (chiếm 0,1%).
Trong ngày 23/02/2022, có 02 bệnh nhân tử vong tại Bệnh viện dã chiến số 01 của tỉnh, gồm: 01 bệnh nhân nam, 76 tuổi, bệnh lý nền tăng huyết áp, gout biến chứng viên đa khớp, đã tiêm đủ hai mũi vắc xin COVID-19 và 01 bệnh nhân nữ, 57 tuổi, bệnh lý nền tăng huyết áp, hở van tim hai lá, đã tiêm đủ hai mũi vắc xin COVID-19.
Lũy tích toàn tỉnh đã thực hiện 214.134 mẫu xét nghiệm. Trong 24 giờ qua, toàn tỉnh thực hiện và trả kết quả cho 7.638 mẫu; phát hiện 2.499 trường hợp dương tính mới với SARS-CoV-2 (246 trường hợp khẳng định bằng RT-PCR, 2.253 trường hợp khẳng định bằng test nhanh kháng nguyên).
Trong ngày 23/02/2022, toàn tỉnh tổ chức tiêm 15.624 liều vắc xin COVID-19; trong đó, có 511 mũi 1 và mũi 2 cho người trên 18 tuổi; 15.113 mũi bổ sung hoặc nhắc lại cho người trên 18 tuổi.
Lũy tích toàn tỉnh Phú Thọ có 996.854 người từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm đủ 02 mũi vắc xin COVID-19 (đạt 98,6%); 477.993 người từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm mũi bổ sung hoặc nhắc lại vắc xin COVID-19 (đạt 47,3%); 123.397 trẻ từ 12 - 17 tuổi được tiêm đủ hai mũi vắc xin (đạt 96,7%).
Đánh giá cấp độ dịch (theo Nghị quyết 128/NQ-CP, ngày 11/10/2021 của Chính phủ; Quyết định 218/QĐ-BYT, ngày 27/01/2022 của Bộ Y tế)
Toàn tỉnh không có đơn vị cấp xã ở cấp độ 4; có 138 đơn vị cấp xã ở cấp độ 3; có 37 đơn vị cấp xã ở cấp độ 2 và 50 đơn vị cấp xã còn lại ở cấp độ 1.
UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt triển khai các biện pháp hành chính theo cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh
Ngày 23/02/2022, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 542/UBND-KGVX về việc quyết liệt triển khai các biện pháp hành chính theo cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị khẩn trương triển khai ngay các biện pháp đáp ứng phòng chống dịch COVID-19, như sau:
- Áp dụng nghiêm các biện pháp hành chính tương ứng theo từng cấp độ dịch đến quy mô cấp xã, phường, thị trấn theo quy định, đảm bảo phù hợp với Nghị quyết số 128/NQ-CP, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Chú trọng việc tạm thời dừng hoặc hạn chế các hoạt động tập trung đông người, các hoạt động kinh doanh dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 cao để phòng chống dịch bệnh. Yêu cầu người dân tại các vùng đánh giá cấp độ 3, cấp độ 4 hạn chế đến các địa bàn có dịch ở cấp độ thấp hơn nếu không cần thiết; hạn chế tham gia các hoạt động tập trung đông người.
- Quản lý, giám sát chặt chẽ các trường hợp F0 đang thực hiện điều trị tại nhà. Thực hiện áp dụng các tiêu chuẩn chẩn đoán, biện pháp cách ly y tế và kết thúc điều trị các trường hợp F0 theo đúng quy định của Bộ Y tế tại Quyết định số 250/QĐ-BYT, ngày 28/01/2022 của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19; Quyết định số 261/QĐ-BYT, ngày 31/01/2022 của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn quản lý người mắc COVID-19 tại nhà.
- Đối với người tiếp xúc gần (F1), người tiếp xúc gần với F1 (F2)
+ Thực hiện việc xác định, thực hiện các biện pháp cách ly y tế đối với trường hợp F1 theo quy định tại văn bản số 762/BYT-DP, ngày 21/2/2022 của Bộ Y tế về việc cách ly y tế đối với ca bệnh COVID-19 và các trường hợp tiếp xúc gần. Khuyến khích tự xét nghiệm dưới sự chứng kiến của nhân viên y tế vào ngày đầu tiên khi phát hiện để giải phóng các trường hợp tiếp xúc gần (F2).
+ Chính quyền địa phương áp dụng thực hiện cách ly y tế tại nhà, nơi cư trú đối với các F2 kể từ ngày tiếp xúc cuối cùng với yếu tố nguy cơ cho đến khi trường hợp F1 có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên (quy định tại Quyết định số 3638/QĐ-BYT, ngày 30/7/2021 của Bộ Y tế về việc về việc ban hành “Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng chống COVID-19”).
- Đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch trong quá trình dạy học
+ Đối với các trường học đang thực hiện dạy, học trực tiếp: Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các phương án, kịch bản chi tiết, cụ thể từng các tình huống dịch xảy ra trong quá trình tổ chức dạy, học trực tiếp; yêu cầu các cơ sở giáo dục phải có các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn, quy định tại Văn bản số 769/BYT- MT, ngày 21/02/2022 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn công tác phòng chống dịch COVID-19 khi tổ chức dạy, học trực tiếp.
+ Đối với các trường học trực tuyến, chuẩn bị trước khi đưa học sinh quay trở lại học trực tiếp: Rà soát, xây dựng phương án các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Sở Y tế tại Văn bản số 376/SYT-NVY&QLHN, ngày 10/02/2022 về việc bảo đảm công tác phòng, chống dịch COVID-19. Triển khai ngay việc tập huấn cho đội ngũ nhân viên y tế trường học, hiệu trưởng, giáo viên, nhóm người phục vụ về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trước khi đưa học sinh trở lại trường học trực tiếp.
- Triển khai “Chiến dịch bảo vệ đối tượng nguy cơ” theo hướng dẫn của Sở Y tế tại văn bản số 4128/SYT-NVY&QLHN, ngày 30/12/2021 về việc triển khai quản lý, bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh với các biện pháp truyền thông, tư vấn về phòng chống COVID-19; tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19; xét nghiệm tầm soát phát hiện người mắc COVID-19; chăm sóc và điều trị người mắc COVID-19 thuộc nhóm nguy cơ; bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ khi người sống chung, người cùng gia đình bị mắc COVID-19; hỗ trợ chăm sóc thể chất và tâm lý xã hội.
- Tăng cường công tác kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp nhất là tại bệnh viện, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, nhà ga, sân bay, bến xe, trường học... theo lĩnh vực của ngành, địa phương quản lý. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về phòng chống dịch COVID-19.
* Các biện pháp hành chính đáp ứng với các cấp độ dịch COVID-19 (Ban hành kèm theo văn bản số 542/UBND-KGVX về việc quyết liệt triển khai các biện pháp hành chính theo cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh):
- Cấp độ 1 - nguy cơ thấp (vùng xanh)
+ Dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ: vũ trường, karaoke, mát-xa, quán bar, Internet, trò chơi điện tử.
+ Các dịch vụ spa - làm đẹp, phòng tập gym, câu lạc bộ thể dục trong nhà, bể bơi trong nhà, làm tóc,... được phép hoạt động; tuy nhiên phải đảm bảo giãn cách trên 2m2/người và không quá 50% công suất.
- Cấp độ 2 - nguy cơ trung bình (vùng vàng)
+ Dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ: vũ trường, karaoke, mát-xa, quán bar, Internet, trò chơi điện tử.
+ Các dịch vụ spa - làm đẹp, phòng tập gym, câu lạc bộ thể dục trong nhà, bể bơi trong nhà, làm tóc,... được phép hoạt động; tuy nhiên phải đảm bảo giãn cách trên 2m2/người và không quá 50% công suất.
+ Đối với các hoạt động đến bảo tàng, triển lãm, thư viện, rạp chiếu phim, cơ sở, địa điểm biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao: Đảm bảo dưới 30 người tham gia các hoạt động tập trung trong nhà (dưới 150 người nếu 100% người tham dự tiêm đủ hai mũi vắc xin); dưới 50 người tham gia hoạt động tập trung ngoài trời (dưới 300 người nếu 100% người tham dự tiêm đủ hai mũi vắc xin).
+ Hoạt động với 50% công suất đối với vận tải hành khách công cộng đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải; hoạt động tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; hoạt động bán hàng rong, vé số dạo.
- Cấp độ 3 - nguy cơ cao (vùng cam)
+ Dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ: vũ trường, karaoke, mát-xa, quán bar, Internet, trò chơi điện tử.
+ Dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh các dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao như dịch vụ spa - làm đẹp, phòng tập gym, câu lạc bộ thể dục trong nhà, bể bơi trong nhà, làm tóc (trừ cắt tóc)...
+ Dừng hoạt động tập trung đông người, vận tải hành khách công cộng đường bộ, đường thủy nội địa; bán hàng rong, vé số dạo...
+ Hạn chế các hoạt động các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà nghỉ, tham quan du lịch; bảo tàng, triển lãm, thư viện, rạp chiếu phim, cơ sở, địa điểm biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao,…đảm bảo dưới 20 người tham gia các hoạt động tập trung trong nhà (dưới 100 người nếu 100% người tham dự tiêm đủ hai mũi vắc xin); dưới 30 người tham gia hoạt động tập trung ngoài trời (dưới 200 người nếu 100% người tham dự tiêm đủ hai mũi vắc xin).
+ Các nhà hàng/quán ăn được phép hoạt động, nhưng đảm bảo tối đa không quá 50% công suất phục vụ; hoạt động chợ truyền thống phải đảm bảo các điều kiện về phòng chống dịch COVID-19.
+Tổ chức dạy học trực tuyến.
+ Giảm 50% số người làm việc tại các cơ quan công sở (trừ các cơ quan, đơn vị đã có 80% cán bộ, công chức, viên chức tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19).
+ Đối với người dân: Hạn chế đến các địa bàn có dịch ở cấp độ thấp hơn nếu không cần thiết; hạn chế tham gia các hoạt động tập trung đông người.
- Cấp độ 4 - nguy cơ rất cao (vùng đỏ)
+ Dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao: vũ trường, karaoke, mát-xa, quán bar, internet, trò chơi điện tử; dịch vụ spa - làm đẹp, phòng tập gym, câu lạc bộ thể dục trong nhà, bể bơi trong nhà, làm tóc (trừ cắt tóc),...
+ Dừng hoạt động các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; bảo tàng, triển lãm, thư viện, rạp chiếu phim; cơ sở, điểm biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao; hoạt động bán hàng rong, vé số dạo.
+ Dừng các hoạt động tập trung đông người; vận tải hành khách công cộng đường bộ, đường thủy nội địa; các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà nghỉ, điểm tham quan du lịch.
+ Các nhà hàng/quán ăn dừng phục vụ trực tiếp, chỉ bán mang về; hoạt động chợ truyền thống phải đảm bảo các điều kiện về phòng chống dịch COVID-19.
+ Các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối: được phép hoạt động với mật độ trên 2m2/người và không quá 10 người tại cùng một địa điểm trong nhà (mật độ trên 2m2/người và không quá 20 người tại cùng một địa điểm ngoài trời).
+ Tổ chức dạy học trực tuyến.
+ Giảm 50% số người làm việc tại các cơ quan công sở (trừ các cơ quan, đơn vị đã có 80% cán bộ, công chức, viên chức tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19).
+ Đối với người dân: Hạn chế đi lại, không tham gia các hoạt động tập trung đông người; nếu đến các địa bàn có cấp độ dịch thấp hơn thì phải tuân thủ các quy định về tiêm chủng, xét nghiệm và cách ly.
UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện Thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc về tình hình mở cửa trường học của các địa phương
Ngày 22/02/2022 UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 537/UBND-KGVX về việc thực hiện Thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc về tình hình mở cửa trường học của các địa phương. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, UBND các huyện, thị, thành và các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Thông báo số 47/TB-VPCP ngày 21/02/2022 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc về tình hình mở cửa trường học của các địa phương. Đối với những nội dung vượt quá thẩm quyền, kịp thời đề xuất báo cáo UBND các tỉnh xem xét, cho ý kiến chỉ đạo./.