Tập hợp hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) để sản xuất, kinh doanh, thời gian qua, các tổ tiết kiệm và vay vốn tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đoan Hùng đã trở thành “cánh tay nối dài” của Ngân hàng CSXH. Từ đó, giúp các hộ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao ý thức tiết kiệm, đồng thời cũng giúp Ngân hàng CSXH tăng cường năng lực, hiệu quả tại cơ sở.
Thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn khu Liên Phương, xã Hợp Nhất anh Hà Tiến Bình được vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH để đầu tư chăn nuôi gà. Anh Bình nói: “Tham gia tổ TK&VV, tôi được tiếp cận nguồn vốn dễ dàng, thủ tục giải ngân nhanh chóng. Nhờ vậy tôi đã có vốn để mở rộng chuồng trại chăn nuôi gà thương phẩm. Trung bình mỗi lứa tôi nuôi từ 5000 đến 1 vạn con, mỗi năm cũng thu lãi được trên 100 triệu đồng”.
 |
Tham gia tổ TK&VV anh Hà Tiến Bình được tiếp cận nguồn vốn chính sách để đầu tư chăn nuôi |
Huyện Đoan Hùng hiện có 302 tổ TK&VV, với dư nợ trên 500 tỷ đồng. Nhằm giúp người dân tiếp cận, sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, các tổ TK&VV đã tích cực tuyên truyền về những chương trình cho vay, quy định thời hạn vay, mức vay, lãi suất, hướng dẫn người dân làm hồ sơ vay vốn, thực hiện bình xét công khai, dân chủ. Quá trình sử dụng vốn, các tổ trưởng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc kịp thời các khoản nợ sắp đến hạn, nợ quá hạn. Những vướng mắc, khó khăn đều được báo cáo kịp thời cho tổ chức hội trực tiếp quản lý, cán bộ tín dụng phụ trách xã giải quyết.
Trên 10 năm là tổ trưởng, bà Phạm Thị Huệ - Tổ trưởng tổ TK&VV khu 1, xã Yên Kiện, huyện Đoan Hùng cho biết: Hiện nay tổng dư nợ của tổ đạt trên 1 tỷ đồng. Để quản lý hiệu quả nguồn vốn, việc bình xét vay vốn được tổ thực hiện công bằng, công khai, minh bạch; việc thu lãi và gửi tiết kiệm thực hiện tập trung tại nhà văn hóa khu; đảm bảo tổ viên nộp lãi, trả gốc đúng hạn. Tổ cũng thường xuyên kiểm tra việc sử dụng vốn, nếu có hộ nào sử dụng chưa đúng mục đích, sẽ đôn đốc, nhắc nhở ngay. Từ đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm của tổ viên trong việc sử dụng vốn”.
Xác định vai trò quan trọng của các tổ TK&VV, phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác đã phối hợp chặt chẽ trong việc rà soát, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động các tổ. Hằng năm, xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra thường xuyên các tổ TK&VV về việc lưu trữ hồ sơ, sổ sách và mục đích sử dụng vốn vay tại cơ sở; kiểm tra mục đích sử dụng vốn sau cho vay. Đồng thời, định kỳ hàng tháng, tại các buổi giao dịch cố định ở xã, các tổ trưởng tổ TK&VV trực tiếp tham gia giao ban với ngân hàng, kịp thời nắm bắt chương trình, chính sách mới và phổ biến cho người dân, thông tin kịp thời những khó khăn, tồn tại của tổ và các hộ vay để có hướng xử lý kịp thời...
Ông Nguyễn Trọng Hải - Giám đốc phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện, khẳng định: “Các tổ TK&VV như những “cánh tay nối dài” của ngân hàng CSXH, không chỉ chuyển tải nguồn vốn kịp thời, đúng đối tượng, đúng mục đích đến người dân mà còn giúp việc quản lý vốn vay tốt hơn, phát huy vai trò giám sát của cộng đồng, hạn chế tiêu cực phát sinh trong sử dụng nguồn lực của Nhà nước. Qua đó, thực hiện hiệu quả chương trình tín dụng chính sách, nâng cao đời sống nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương. Thời gian qua, các tổ TK&VV tại các địa phương trên địa bàn huyện đã giúp quản lý hiệu quả nguồn vốn chính sách, từ đó giúp hàng nghìn hộ thoát nghèo vươn lên sản xuất kinh doanh hiệu quả.
Thời gian tới, phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đoan Hùng sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác thực hiện tốt việc tuyên truyền, nâng cao năng lực hoạt động các tổ TK&VV, đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống./.
Bài, ảnh: Nguyễn Tình