Trong chuyến công tác tại xã Minh Phú, được sự giới thiệu của Hội Phụ nữ xã, chúng tôi đến thăm mô hình chăn nuôi lợn rừng của gia đình chị Đặng Thị Xạ ở thôn 8.
Thôn 8 nằm sâu trong khu đồi rừng của xã Minh Phú có khí hậu mát mẻ rất phù hợp cho việc phát triển chăn nuôi, nắm bắt được lợi thế đó, gia đình Chị Xạ đã đi học hỏi kinh nghiệm và quyết định đầu tư chăn nuôi lợn rừng. Lúc đầu chị thử nghiệm nuôi 2 con lợn rừng nái, thấy việc nuôi không khó, chị đã nhân rộng nuôi cả đàn trên 100 con vừa lợn nái vừa lợn thịt kết hợp với nuôi lợn ta.
Theo chị Xạ, lợn rừng nuôi khoảng 12 tháng là có thể cho sinh sản. Trung bình một năm, lợn nái đẻ 2 lứa, mỗi lứa khoảng 7- 8 con lợn con. Khi lợn con được 3 tháng thì tách đàn nuôi riêng. Thức ăn của lợn rừng ngoài cám, ngô không phải nấu chín có thể tận dụng các nguồn thức ăn tại chỗ khác như rau, cỏ, khoai, sắn, lá cây rừng... Về chuồng trại, anh chị xây tập trung dưới những tán cây, có ngăn riêng cho từng lứa và dành một khoảng vườn có không gian rộng cho lợn chạy nhảy, đào bới.
Theo chị Xạ, việc nuôi lợn rừng đơn giản hơn lợn ta nhưng phải nắm rõ kỹ thuật, chu kỳ sinh trưởng của chúng để chủ động phòng bệnh, bổ sung thức ăn thì sẽ cho hiệu quả kinh tế cao.
Về thị trường tiêu thụ lợn rừng cũng không khó, chủ yếu là các nhà hàng đặt mua trước, giá bán thấp nhất cũng khoảng 100 ngàn đồng/Kg tuỳ theo nhu cầu của khách hàng, nhiều thương lái đến đặt mua cả đàn.
Từ việc nuôi lợn rừng, những năm gần đây, gia đình chị Xạ đều có thu nhập trên 200 triệu đồng mỗi năm.
Quý Đông