Tháng 10/1947, xã Trần Phú được tách thành 2 xã là Trần Phú và Minh Lương. Đến cuối năm 1953, xã Minh Lương được tách thành 2 xã là Tô Hiệu (sau này đổi thành Hà Lương) và Minh Lương. Trải qua chiều dài thời gian, từ ngày 21/12/1980, thực hiện Quyết định số 377/QĐ-CP của Chính phủ, Minh Lương là xã miền núi thuộc huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ, nằm cách trung tâm huyện lỵ Đoan Hùng 25km về phía Bắc. Phía Bắc của xã giáp xã Bằng Luân, phía Đông giáp xã Bằng Doãn (Đoan Hùng), phía Nam giáp xã Hà Lương, xã Gia Điền (huyện Hạ Hòa), phía Tây giáp xã Hà Lương, xã Đại Phạm (xã Trần Phú trước đây) – huyện Hạ Hòa. Toàn xã có tổng diện tích tự nhiên là 1.297,03ha, trong đó đất nông nghiệp là 1.179,09ha (chiếm 90,9%), đất lâm nghiệp là 762,47ha (chiếm 58,8%), với 907 hộ, 3.086 nhân khẩu, trong đó có 9 dân tộc thiểu số với 122 nhân khẩu cùng chung sống.
Ngày 18/4/1948, Chi bộ Minh Lương được thành lập với 14 đảng viên. Đảng bộ Minh Lương ngày nay có 171 đảng viên được chia thành 12 Chi bộ, trong đó có 8 Chi bộ khối nông nghiệp, 4 Chi bộ khối sự nghiệp hành chính. Từ ngày thành lập đến nay, cùng với việc phát triển đảng viên, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân địa phương thực hiện và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị. Trong kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc với tinh thần “ Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, nhân dân Minh Lương đóng góp hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm cho kháng chiến. Toàn xã đã có 500 lượt công dân nhập ngũ, trong đó có 55 liệt sỹ, 67 thương, bệnh binh, có 8 bà mẹ được phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, tình hình an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội ổn định, hàng năm đều có 5-7 công dân nhập ngũ làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Nhân dân trong xã luôn tin tưởng vào đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương.
Từ ngày Đảng chủ trương thực hiện đổi mới, cuộc sống của nhân dân trong xã từng bước cải thiện, đời sống đã đổi thay rõ rệt, chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao. Nền sản xuất độc canh cây lúa nước từng bước được bổ sung bằng phát triển rừng trồng cây lâm nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Khoảng 20 năm trở lại đây, cây bưởi đặc sản Đoan Hùng được quan tâm phát triển, dần thay thế những diện tích chè giống cũ và đem lại kết quả khả quan hơn. Việc phát triển chăn nuôi được tập trung vào đàn gia súc, gia cầm, thủy cầm thay cho đàn đại gia súc có chiều hướng thu hẹp do thiếu đồng cỏ, thiếu lao động. Sản xuất tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ có bước phát triển khá, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến gỗ hoạt động có hiệu quả, cho thu nhập khá. Thu nhập bình quân đầu người đạt 28.912.000 đồng, đạt 111% KH, tăng 4.357.000đ so với năm 2017; Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,79%.
Song song với phát triển kinh tế, đời sống văn hóa tinh thần của người dân cũng có bước tiến vững chắc. Mặc dù địa phương không có lễ hội truyền thống mang tính đặc trưng, song hàng năm vào địp đón Tết cổ truyền, những ngày lễ lớn cũng như ngày truyền thống của các tổ chức đoàn thể, địa phương đều tổ chức lễ hội để nhân dân cùng tham gia, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong cộng đồng. Đến nay, toàn xã đã có hơn 200 hộ sử dụng mạng internet, khoảng 80% người dân sử dụng điện thoại thông minh, tạo điều kiện giao lưu học hỏi, nâng cao hiểu biết, mở rộng tầm nhìn.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là từ khi có ánh sáng đổi mới đến nay, cùng với cả nước, nhân dân Minh Lương đã có bước tiến lớn trong phát triển kinh tế, cuộc sống thay đổi từng ngày. Hy vọng trong thời gian không xa nữa, Minh Lương sẽ có bước phát triển vượt bậc, đáp ứng lòng mong mỏi khát khao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã nhà.
Vị trí địa lý
Vị trí địa lý